(TVPLVNO) – Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thương mại quốc tế ngày càng phát triển, các tranh chấp xảy ra sau khi giao kết hợp đồng và thanh toán giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng phổ biến. Nhằm giúp các luật sư nâng cao kiến thức chuyên sâu để tư vấn và giải quyết các tranh chấp thương mại Quốc tế, vừa qua Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với các luật sư khu vực phía Nam. Nhân dịp này, chúng tôi cung cấp tới bạn đọc một số kiến thức về thanh toán trong thương mại Quốc tế, nhằm giúp các doanh nghiệp phòng tránh các rủi ro và tranh chấp.
Tác giả tham luận tại Hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức
Thanh toán quốc tế là quá trình chuyển giao tiền tệ giữa các tổ chức, cá nhân ở các quốc gia khác nhau nhằm thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư hoặc các giao dịch kinh tế quốc tế khác. Đây là một phần không thể thiếu trong thương mại quốc tế, đòi hỏi sự phối hợp giữa các ngân hàng, tổ chức tài chính và tuân thủ quy định của các quốc gia liên quan. Phương thức thanh toán quốc tế thì có nhiều, mỗi một phương thức thanh toán đều có ưu, nhược điểm riêng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu vài phương thức thanh toán quốc tế phổ biến hiện nay và những lưu ý quan trọng dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Letter of Credit (L/C) – Phương thức tín dụng chứng từ
Phương thức thư tín dụng viết tắt là L/C, có nhiều hình thức L/C, tuy nhiên theo khái niệm chung nhất thì L/C là một văn bản do ngân hàng bên người nhập khẩu phát hành dựa trên yêu cầu của người nhập khẩu. Giữa nhà nhập khẩu và ngân hàng ràng buộc mối quan hệ dựa trên uy tín, tài chính, lịch sử thanh toán trước đó để ngân hàng quyết định mở tín dụng thư cho nhà nhập khẩu. Nếu lịch sử tín dụng tốt, nhà nhập khẩu thậm chí chỉ trả trước 10% trị giá L/C, phần còn lại sẽ được ngân hàng cho vay và hàng hoá sẽ được giao theo lệnh của ngân hàng (to order of the Bank). Tín dụng thư (L/C) là phương thức thanh toán mà khi người xuất khẩu trình bộ chứng từ tuân thủ các điều khoản trong L/C thì ngân hàng buộc phải thanh toán ngay lập tức hoặc thanh toán trong một thời hạn nhất định quy định trong L/C, trường hợp bộ chứng từ bất hợp lệ với các lỗi không thể sửa chữa thì ngân hàng phải hỏi ý kiến của nhà nhập khẩu xem có chấp nhận thanh toán cho bộ chứng từ này hay không thì ngân hàng mới thanh toán. Phương thức này được hình thành dựa trên cơ sở hợp đồng giữa hai bên nhưng lại độc lập hoàn toàn với hợp đồng. Khi vận hành và giải quyết các tranh chấp trong thanh toán L/C thì hiện nay thường áp dụng UCP 600, là viết tắt của “The Uniform Custom and Practice for Documentary Credit” (Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ).
Đây là phương thức khá an toàn cho cả người bán và người mua. Đặc điểm nổi bật: Được thiết lập độc lập với hợp đồng thương mại và là phương thức thanh toán an toàn, đặc biệt hữu ích với các giao dịch có giá trị lớn hoặc đối tác chưa từng hợp tác.
Quy trình thanh toán tín dụng: Nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu ký Hợp đồng ngoại thương; Nhà nhập khẩu ở nước ngoài yêu cầu ngân hàng của họ mở L/C mà người thụ hưởng là nhà xuất khẩu; Ngân hàng nhà nhập khẩu chuyển L/C cho ngân hàng nhà xuất khẩu; Ngân hàng của nhà xuất khẩu thông báo L/C cho nhà xuất khẩu; Nhà xuất khẩu giao hàng cho nhà nhập khẩu nước ngoài; Nhà xuất khẩu lập bộ chứng từ gửi đến ngân hàng của mình; Ngân hàng bên nhà xuất khẩu kiểm tra tính phù hợp của bộ chứng từ quy định trong L/C, nếu hợp lệ thì chuyển đến ngân hàng phát hành L/C ở nước ngoài để yêu cầu thanh toán; Ngân hàng phát hành L/C nước ngoài tiến hành kiểm tra sự phù hợp của bộ chứng từ, nếu phù hợp thi sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng của bên xuất khẩu; Ngân hàng bên phát hành L/C chuyển bộ chứng từ đến nhà nhập khẩu để họ tiến hành các thủ tục nhận hàng.
Phương thức thanh toán L/C đảm bảo an toàn nhất cho cả bên bán và bên mua, tuy nhiên, hình thức thanh toán này thường rất khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện của bộ chứng từ quy định trong L/C; các lỗi thường hay gặp nhất là hình thức chứng từ không tuân thủ L/C, chứng từ bất hợp lệ (Discrepancy document), lỗi chính tả, lỗi ngày tháng phát hành chứng từ.
Để giảm thiểu rủi ro, cần lưu ý thoả thuận các điều khoản của L/C phải phù hợp với điều kiện của các bên cũng như pháp luật của mỗi nước. Kiểm tra L/C xuất khẩu trước khi thực hiện giao hàng để đảm bảo khả năng lập chứng từ phù hợp.
Khi phát hiện sai sót hoặc thấy cần thiết thì phải yêu cầu tu chỉnh L/C. Việc tu chỉnh phải thực hiện xong trước khi thực hiện giao hàng hóa và đặc biệt lưu ý là L/C vẫn còn trong thời hạn mà thời hạn đó còn đủ để thực hiện việc thanh toán sau khi đã giao nhận hàng. Ngoài ra, cần lựa chọn đối tác kinh doanh và ngân hàng phát hành L/C có uy tín; tốt nhất là mở L/C theo dạng không thể huỷ ngang và có ngân hàng bảo lãnh xác minh (Confirmed Irrevocable L/C).
Phương thức nhờ thu (Collection of Payment)
Phương thức nhờ thu là hình thức thanh toán trong đó bên xuất khẩu ủy thác ngân hàng của mình thu hộ tiền từ bên nhập khẩu thông qua việc phát hành hối phiếu và các chứng từ thương mại. Ngân hàng chỉ là trung gian thanh toán, không có nghĩa vụ cam kết phải đảm bảo việc thanh toán cho bên xuất khẩu giống như L/C.
Có hai hình thức nhờ thu là nhờ thu trơn (Clean Collection) và nhờ thu kèm chứng từ (Documentary Collection)
Nhờ thu trơn là loại nhờ thu mà người bán (xuất khẩu) sẽ yêu cầu ngân hàng thu tiền hộ trên cơ sở ký phát hối phiếu (Bill of Exchange), còn chứng từ sẽ được gửi trực tiếp cho người mua (Bill of Lading, Commercial Invoice, Insuarance Policy, Packing List, Quality Certificate… ).
Nhờ thu kèm chứng từ là hình thức người bán sẽ không gửi trực tiếp chứng từ cho người mua mà sẽ gửi cho ngân hàng ủy thác. Ngân hàng ủy thác sẽ yêu cầu người mua thanh toán ngay hoặc chấp nhận thanh toán trả sau (theo thoả thuận giữa bên mua và bán) thì ngân hàng mới giao chứng từ để bên nhập khẩu nhận hàng.
Có hai loại nhờ thu phổ biến:
Document against Payment (D/P): Nhờ thu trả ngay: Người xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu căn cứ vào hợp đồng; Người xuất khẩu gửi chứng từ như hoá đơn, hối phiếu, chứng từ vận tải… tới ngân hàng của mình đề nhờ thu; Ngân hàng của bên xuất khẩu gửi chứng từ xuất khẩu và hối phiếu nhờ ngân hàng bên người nhập khẩu thu hộ; Ngân hàng bên người nhập khẩu gửi hối phiếu và thông báo nhờ thu tới người nhập khẩuNgười nhập khẩu thanh toán dựa trên hối phiếu ngân hàng giao; Ngân hàng bên người nhập khẩu giao bộ chứng từ cho người nhập khẩu; Ngân hàng bên người nhập khẩu chuyển tiền cho ngân hàng của bên xuất khẩu; Ngân hàng bên người xuất khẩu chuyển tiền vào tài khoản cho người xuất khẩu.
Với hình thức nhờ thu này thì nhà xuất khẩu ít rủi ro, việc thanh toán được đảm bảo do có ngân hàng làm trung gian hỗ trợ thanh toán. Bên nhập khẩu muốn nhận hàng hoá thì buộc phải thanh toán rồi mới được ngân hàng giao bộ chứng từ để nhận hàng. Với nhà nhập khẩu thì đảm bảo hàng hoá được vận chuyển, giao nhận đầy đủ theo bộ chứng từ. Để phòng ngừa rủi ro về chất lượng hàng hoá thì các bên nên có thoả thuận thực hiện giám định hàng hoá thông qua công ty giám định.
Document against Acceptance (D/A) – Nhờ thu trả chậm: Theo phương thức này, ngân hàng nhờ thu chỉ giao chứng từ cho người nhập khẩu khi người nhập khẩu chấp nhận sẽ thanh toán sau một thời gian; Phương thức này cho phép người mua không phải thanh toán ngay nhưng phải ký chấp nhận thanh toán trên hối phiếu có kỳ hạn, được ký phát bởi người xuất khẩu; Thời gian chấp nhận thanh toán được quy định trong lệnh nhờ thu của nhà xuất khẩu. Thông thường thời gian thanh toán có thể là 30 ngày, 60 ngày hoặc 90 ngày. Sau khi ký chấp nhận thanh toán, nhà xuất khẩu sẽ nhận được bộ chứng từ để đi nhận hàng.
Rủi ro có thể xảy ra là nhà xuất khẩu mất quyền kiểm soát hàng hóa sau khi bộ chứng từ được chấp nhận nhưng vẫn có khả năng không nhận được thanh toán khi đến hạn. Với nhà nhập khẩu thì có lợi hơn vì có thể kiểm tra hàng hóa trước khi quyết định đồng ý thanh toán hoặc từ chối thanh toán hối phiếu trả chậm do đó nhà nhập khẩu sẽ ít rủi ro hơn nhà xuất khẩu. Để tránh các rủi ro và khiếu kiện, các bên cần thống nhất nhờ công ty giám định thực hiện kiểm định hàng hoá cả nơi hàng đi và đến.
Phương thức chuyển tiền (Remittance)
Phương thức chuyển tiền là một trong những phương thức thanh toán thông dụng nhất được nhiều doanh nghiệp áp dụng bởi phương thức này nhanh, gọn, tiện lợi, quy trình nghiệp vụ đơn giản, nhanh chóng, chi phí thanh toán qua ngân hàng thấp hơn một số phương thức khác. Ngoài ra, các chứng từ hàng hóa không yêu cầu quá nghiêm ngặt nên hạn chế được các rủi ro phát sinh. Có hai hình thức chuyển tiền là: Chuyển tiền bằng thư (Mail Transfer – M/T) và Chuyển tiền bằng điện (Telegraphic Transfer – T/T). Thời hạn thánh toán có thể là TT in advance (trả trước), TT in sight (trả ngay) và TT at X days (trả sau một số ngày cụ thể).
Quy trình thực hiện chuyển tiền: Người xuất khẩu giao hàng và gửi thông báo yêu cầu người nhập khẩu thanh toán; Sau khi kiểm tra chứng từ và hàng hóa, nếu hàng hoá tuân thủ các điều kiện thì người nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình chuyển tiền cho ngân hàng của nhà xuất khẩu; Ngân hàng của người nhập khẩu kiểm tra nếu hợp lệ và đủ khả năng thanh toán thì chuyển tiền vào ngân hàng nhà xuất khẩu; Khi nhận được tiền từ ngân hàng của người nhập khẩu thì ngân hàng của người xuất khẩu sẽ chuyển vào tài khoản của nhà xuất khẩu.
Thời điểm thanh toán có thể trước hoặc sau khi giao hàng do các bên thoả thuận. Trả tiền trước là phương thức mà bên nhập khẩu sẽ phải chuyển khoản tiền hàng trước cho bên xuất khẩu, sau khi chuyển tiền thì bên bán mới tiến hành giao hàng cho bên mua. Phương thức này có lợi cho nhà xuất khẩu nhưng bất lợi nhiều cho bên mua vì chất lượng hàng hoá khó kiểm soát trong khi tiền thì đã thanh toán.
Trả tiền sau là phương thức mà bên nhập khẩu chỉ thanh toán tiền hàng sau khi nhận đủ số hàng từ bên xuất khẩu. Khi hàng được bên bán giao hàng, bên mua kiểm tra lại hàng rồi mới tiến hành thanh toán. Phương thức này an toàn cho người mua, nghiệp vụ dễ dàng, nhanh gọn nhưng bất lợi cho bên bán vì có thể bên mua tìm cách từ chối thanh toán, kéo dài việc thanh toán thậm chí từ chối nhận hàng.
Với hình thức chuyển tiền thì các bên nên áp dụng với những đối tác uy tín, có quan hệ thương mại lâu dài. Đối với trường hợp quan hệ mua bán lần đầu thì nên có lộ trình thanh toán cụ thể, thỏa thuận các điều kiện thanh toán, tỷ lệ mỗi lần chuyển khoản. Tốt nhất là yêu cầu bên nhập khẩu thanh toán một tỷ lệ nhất định trước khi giao hàng (TT in Advance).
Kết luận
Thanh toán quốc tế là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, tài chính và tín dụng. Việc nắm vững các phương thức thanh toán, lựa chọn giải pháp phù hợp và xây dựng chiến lược kiểm soát rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững trong môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động.
Với gần 20 năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực pháp lý, tác giả mong muốn qua bài viết này cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước ra thị trường quốc tế, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Luật sư, Quản Tài Viên, ThS. Lê Hồng Quang – Công ty Luật SHV (Thành viên Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE),Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC; Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)