(TVPLVNO) – Quy định về bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng đều hướng đến trách nhiệm của bên có lỗi; tuy nhiên điều kiện cần và đủ để được áp dụng hai hình thức này là hoàn toàn khác nhau. Nếu như phạt vi phạm có mục đích chủ yếu là trừng phạt, tác động vào ý thức của các chủ thể nhằm giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, phòng ngừa vi phạm hợp đồng thì bồi thường thiệt hại lại là hình thức áp dụng nhằm khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại cho bên bị vi phạm.
Luật sư – Thạc sĩ Lê Hồng Quang
Khi áp dụng chế định phạt vi phạm hay bồi thường hợp đồng thì dĩ nhiên là phải căn cứ vào hợp đồng. Tuy nhiên không phải cứ có quy định trong hợp đồng là được phạt, được bồi thường hoặc không quy định trong hợp đồng thì không được phạt, không được bồi thường mà còn phải căn cứ vào quy định của pháp luật.
Bộ luật gốc, luật cơ bản nhất để điều chỉnh các quy định của hợp đồng là Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên nếu có luật chuyên ngành thì lại phải tuân theo luật chuyên ngành. Bộ luật Dân sự quy định mức phạt vi phạm không bị giới hạn mà do các bên tự thỏa thuận nhưng các luật chuyên ngành lại giới hạn mức phạt này. Do vậy, việc xác định loại hình hợp đồng là rất quan trọng vì nó khác nhau về thời hiệu khởi kiện, về các bồi thường thiệt hại, về các mức phạt vi phạm.
Hai loại hợp đồng khó xác định loại hình nhất và thường hay xảy ra vi phạm là hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại. Hợp đồng dân sự là hợp đồng mà cả hai bên hoặc một bên trong hợp đồng không có mục đích tìm kiếm lợi nhuận, ví dụ bên mua mua hàng hóa về để sử dụng trong công ty, trong gia đình. Hợp đồng thương mại là hợp đồng ký kết giữa các bên có đăng ký kinh doanh, các bên ký kết hợp đồng nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Ví dụ bên bán sản xuất ra hàng hóa sau đó bán để kiếm lợi nhuận, bên mua hàng hóa mua về để bán lại nhằm kiếm lợi nhuận. Thời hiệu khởi kiện hợp đồng dân sự là ba năm nhưng hợp đồng thương mại chỉ là hai năm.
Bồi thường thiệt hại là khi có thiệt hại xảy ra. Với hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại thì khi không đề cập phần bồi thường thiệt hại trong hợp đồng nhưng nếu có thiệt hại xảy ra thì đều có thể yêu cầu bồi thường.
Bộ luật Dân sự năm 2015 tại khoản 3 Điều 418 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.
Bộ luật Dân sự yêu cầu các bên nếu muốn áp dụng đồng thời hai chế tài là cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thì cần có sự thỏa thuận là “áp dụng đồng thời” cả hai chế tài, tức là vừa phải có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa phải có thoả thuận về bồi thường thiệt hại. Ngược lại, nếu chỉ có thoả thuận về phạt vi phạm mà không đề cập đến bồi thường thiệt hại thì chế tài “bồi thường thiệt hại” mặc nhiên bị triệt tiêu.
Trong khi đó, Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ mặc nhiên phát sinh khi có đủ các căn cứ mà không cần có thỏa thuận. Trong khi đó, để có quyền yêu cầu phạt vi phạm thì phải dựa trên thỏa thuận giữa các bên.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại là nếu như Bộ luật Dân sự buộc các chủ thể khi có “thoả thuận phạt vi phạm” mà không đề cập đến “thoả thuận bồi thường thiệt hại” thì chế tài bồi thường thiệt hại mặc nhiên bị mất. Ngoài ra, bộ luật này không giới hạn mức phạt vi phạm, nghĩa là các bên có quyền thoả thuận mức phạt, thậm chí là lớn gấp nhiều lần giá trị bị vi phạm.
Trong khi đó, Luật Thương mại quy định các chủ thể, “nếu chỉ có” thoả thuận phạt vi phạm mà không có thoả thuận bồi thường thiệt hại thì chế tài bồi thường vẫn mặc nhiên được áp dụng. Tuy nhiên, luật này chỉ cho phép các bên thoả thuận phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị bị vi phạm.
Ý nghĩa của chế tài phạt vi phạm là nhằm mục đích răn đe, trừng phạt nên việc có muốn thực hiện mục đích này hay không thì phụ thuộc vào ý chí của các bên khi thiết lập hợp đồng. Trong khi ý nghĩa của chế tài bồi thường thiệt hại lại là bù đắp những tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm của bên vi phạm.
Bộ luật dân sự 2015 quy định cần phải có một thỏa thuận “vừa phải chịu phạt vi phạm, vừa phải bồi thường thiệt hại” thì mới được áp dụng đồng thời cả hai chế tài là không hợp lý. Chúng ta nên theo cách tiếp cận của Luật Thương mại năm 2005, chỉ cần có thỏa thuận phạt vi phạm, còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn có thể mặc nhiên phát sinh khi có đủ căn cứ mà không cần phải có sự thỏa thuận trước đó song hành cùng với thỏa thuận phạt vi phạm.
Phạt vi phạm là chế tài áp dụng khi có vi phạm xảy ra mà không phụ thuộc vào việc có hay không có thiệt hại xảy ra. Trong khi đó, bồi thường thiệt hại là chế tài áp dụng dựa trên chứng cứ chứng minh có thiệt hại xảy ra.
Trong giao dịch dân sự hay kinh doanh thương mại, khi thiết lập hợp đồng, các chủ thể thường đưa ra hai yêu cầu quy định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng đó là khoản bồi thường thiệt hại và khoản phạt vi phạm hợp đồng.
Với gần 20 năm là chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, cộng thêm nhiều năm hoạt động pháp luật, tác giả thấy rằng nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức rõ sự khác biệt giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, còn sơ suất trong khi xác lập các điều khoản hợp đồng; chẳng hạn như thiếu các điều khoản, các điều khoản không rõ ràng, các điều khoản bất lợi mà không nhận ra dẫn đến tranh chấp và khi có tranh chấp xảy ra thì rất thiệt thòi. Do đó, cần cẩn trọng trong việc thiết lập điều khoản hợp đồng để đảm bảo quyền lợi và tránh rủi ro pháp lý.
Luật sư, Quản Tài Viên Lê Hồng Quang – Công ty luật Hà Phi; Thành viên Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện Nghiên cứu Thị trường và Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại Tp. HCM (TRACENT)