(TVPLVNO) – Nghĩa vụ cấp dưỡng là một quy định quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của các đối tượng yếu thế trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và người không có khả năng lao động. Việc thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan mà còn góp phần duy trì các giá trị đạo đức và nhân văn trong xã hội.
Luật sư – Thạc sĩ Lê Hồng Quang
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình nhưng có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Nghĩa vụ này được áp dụng trong trường hợp người nhận cấp dưỡng là người chưa thành niên, người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu. Khi các thành viên có quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng không sống chung và không thể trực tiếp chăm sóc nhau, họ sẽ thực hiện nghĩa vụ thông qua việc cấp dưỡng. Đối với trường hợp quan hệ giữa cha mẹ và con cái, dù sống chung nhưng nếu cha mẹ vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ phát sinh.
Quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ phái sinh, tức là chỉ xuất hiện khi quan hệ nuôi dưỡng không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Đây cũng là một quan hệ pháp luật có điều kiện, vì chỉ phát sinh khi một bên có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và bên kia thuộc đối tượng được nhận cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ chấm dứt khi người được cấp dưỡng đã có khả năng tự nuôi sống hoặc khi bên cấp dưỡng hoặc bên được cấp dưỡng qua đời.
Tại Việt Nam, các quy định liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng hiện nay được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Các đối tượng và quan hệ phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng
Theo Pháp luật hiện nay, nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định trong các mối quan hệ như: Cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) hoặc con đã thành niên nhưng mất khả năng lao động; Con cái có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ khi cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống; Anh, chị, em ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu một trong số họ còn nhỏ, không có người nuôi dưỡng hoặc mất khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống; Ông bà có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu nếu cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi sống trong khi cha mẹ của cháu không còn, hoặc còn nhưng không có khả năng nuôi dưỡng cháu; Cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nếu ông bà không có tài sản và không còn người trực tiếp nuôi dưỡng trong khi cháu có đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; Cô, dì, cậu, chú, bác ruột và cháu ruột cũng phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau. Khi cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên nhưng không thể tự nuôi sống bản thân và cũng không có người khác cấp dưỡng thì cô cậu, dì, chú, bác phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Ngược lại khi cô, dì, cậu, chú, bác mà không có khả năng lao động để tự nuôi mình và cũng không có người khác cấp dưỡng thì cháu phải có nghĩa vụ cấp dưỡng; Vợ chồng sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau nếu một bên gặp khó khăn về kinh tế, không đủ khả năng tự nuôi sống, trong khi bên kia có đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Chế tài khi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng thường dựa trên ý chí tự nguyện, tuy nhiên, khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thì người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Ngoài gia người thân thích của người được cấp dưỡng và các cơ quan, tổ chức như Hội phụ nữ, Uỷ ban nhân dân các cấp, các ban ngành quản lý Nhà nước về gia đình, trẻ em có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ vi phạm đạo đức mà còn bị xử lý nghiêm theo các chế tài pháp luật hiện hành. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng theo quy định tại Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Việc chứng minh hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thể hiện qua việc bên yêu cầu đã thực hiện quyền yêu cầu nhưng bên có nghĩa vụ từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Khi các bên không thoả thuận được việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì bên cần cấp dưỡng có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết. Quyết định, Bản án của Toà án buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện, nếu không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo Luật Thi hành án Dân sự.
Ngoài biện pháp hành chính và chế tài dân sự như trên, nếu người có nghĩa vũ cấp dưỡng mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên tới 2 năm tù giam theo quy định tại Điều 186 Bộ Luật Hình sự. (Cần lưu ý là nếu đã có Bản án, Quyết định của Toà về việc cấp dưỡng nhưng không thực hiện thì sẽ bị xử lý về tội “không chấp hành bản án” theo Điều 380 Bộ Luật Hình sự).
Ngoài ra, việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mà gây ra thiệt hại về vật chất, về tinh thần thì bên bị thiệt hại cũng có thể yêu cầu Toà án buộc bên gây ra thiệt hại phải bồi thường. Hơn nữa, khi mức cấp dưỡng cũ không còn đáp ứng đủ được yêu cầu thì họ cũng có thể khởi kiện yêu cầu Toà án buộc thay đổi mức cấp dưỡng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu.
- Những khó khăn khi xác định trách nhiệm đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Việc xác định trách nhiệm khi một cá nhân không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật gặp nhiều thách thức trong cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn. Dưới đây là những khó khăn chủ yếu:
Thứ nhất, khó khăn trong xác định yếu tố lỗi “cố ý”: Một trong những yếu tố cấu thành tội không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015) là hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, việc chứng minh yếu tố cố ý gặp nhiều trở ngại. Người vi phạm thường cho rằng họ không có đủ khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ, khiến việc xác định hành vi cố ý trốn tránh trở nên phức tạp. Một số trường hợp, người có nghĩa vụ cố tình che giấu thu nhập hoặc tài sản, làm khó cho cơ quan chức năng trong việc xác minh.
Hơn thế nữa, Pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng tối thiểu, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá hành vi vi phạm khi mức cấp dưỡng không đáp ứng kỳ vọng của bên được cấp dưỡng.
Thứ hai, khó khăn trong thu thập và đánh giá chứng cứ để chứng minh hành vi “từ chối hoặc trốn tránh, không thực hiện”: Khi thực hiện quyền được cấp dưỡng, chủ thể yêu cầu thường gặp khó khăn trong việc cung cấp bằng chứng, dẫn đến khó xác định liệu bên vi phạm đã nhận được yêu cầu cấp dưỡng hay chưa. Hơn nữa, ngay cả khi các bên đã thống nhất được mức cấp dưỡng, trong nhiều trường hợp lại không có biên nhận hoặc tài liệu xác minh việc chi trả.
Để xử lý trách nhiệm, cơ quan chức năng phải chứng minh rằng người vi phạm có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình không thực hiện. Điều này đòi hỏi phải thu thập các tài liệu liên quan đến thu nhập và tài sản của người vi phạm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, họ cố tình che giấu tài sản hoặc không hợp tác, khiến việc thu thập bằng chứng trở nên vô cùng khó khăn. Vì vậy, việc chứng minh rõ ràng rằng người vi phạm không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là một thách thức lớn đối với các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, khó khăn khi đánh giá mức độ hậu quả “nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ”: Điều 186 Bộ luật Hình sự yêu cầu hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải gây ra hậu quả “nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ” cho người được cấp dưỡng. Tuy nhiên, pháp luật chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể để xác định thế nào là “nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ”, dẫn đến sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật. Do đó, việc đánh giá mức độ hậu quả thường phụ thuộc vào nhận định của cơ quan điều tra hoặc Tòa án, gây tranh cãi trong thực tiễn.
Thứ tư, khó khăn trong việc thi hành án dân sự: Quyết định của Tòa án về nghĩa vụ cấp dưỡng thường không được thực thi nghiêm túc do người có nghĩa vụ cố tình trốn tránh. Nhiều người di chuyển khỏi địa phương hoặc không có địa chỉ cụ thể, khiến cơ quan thi hành án không thể thực hiện cưỡng chế. Hơn thế nữa, cơ chế cưỡng chế tài sản hiện nay chưa đủ mạnh, đặc biệt khi người vi phạm không có tài sản đứng tên hoặc sử dụng tài sản chung.
Thứ năm, sự hạn chế trong nhận thức pháp luật: Một bộ phận người dân chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc xem nhẹ trách nhiệm này, dẫn đến thiếu ý thức tự nguyện thực hiện. Người vi phạm thường chỉ cấp dưỡng khi bị cưỡng chế, gây kéo dài quá trình giải quyết. Ngoài ra, người được cấp dưỡng thường không khởi kiện, tố cáo do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ, lo tác động tiêu cực đến gia đình.
- Kiến nghị, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý
Việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại giá trị đạo đức xã hội. Mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định tương đối cụ thể, song vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường các biện pháp thi hành sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của các đối tượng yếu thế, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và thúc đẩy sự ổn định trong các quan hệ gia đình. Để khắc phục những khó khăn trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật: Quy định rõ ràng hơn về nghĩa vụ cấp dưỡng trong các bản án, quyết định của tòa án, bao gồm thời hạn, mức cấp dưỡng và hình thức thực hiện. Quy định rõ hơn về yếu tố “cố ý” trong tội không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi “không thực hiện nghĩa vụ” để bao gồm các trường hợp trốn tránh hoặc cố tình che giấu khả năng kinh tế. Quy định rõ ràng hơn về mức cấp dưỡng tối thiểu và cách tính toán dựa trên thu nhập và nhu cầu của người được cấp dưỡng. Xây dựng hướng dẫn cụ thể để đánh giá hậu quả “nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ”.
Hai là, nâng cao hiệu quả thi hành án: Tăng cường biện pháp cưỡng chế đối với người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, liên thông giữa các cơ quan tư pháp, giữa các cơ quan tổ chức khác để phối hợp buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện.
Ba là, tăng cường tuyên truyền và giáo dục pháp luật: Phổ biến quy định pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng trong cộng đồng. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt trong các mối quan hệ gia đình.Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm cấp dưỡng và hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm. Xây dựng các cơ chế hỗ trợ pháp lý và tâm lý cho người bị hại, giúp họ vượt qua rào cản tâm lý để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bốn là, tăng cường vai trò của cơ quan chức năng: Đào tạo chuyên sâu cho cán bộ điều tra, kiểm sát và tòa án trong việc xác minh, đánh giá yếu tố cố ý và khả năng kinh tế của người phạm tội. Đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan pháp luật và chính quyền địa phương để giám sát và thu thập thông tin về nghĩa vụ cấp dưỡng.
Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là giá trị nhân văn cần được bảo vệ. Hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người phụ thuộc và trật tự xã hội. Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả hành vi này, cần phải khắc phục những khó khăn trong xác định trách nhiệm hình sự thông qua việc hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường nhận thức của xã hội.
Việc xác định trách nhiệm hình sự về tội không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa việc hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực thực thi và ý thức pháp luật của các bên liên quan. Hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi và nhận thức xã hội là những yếu tố then chốt để bảo vệ quyền lợi của người phụ thuộc và duy trì sự ổn định trong gia đình.
Chỉ khi những khó khăn này được giải quyết triệt để, quyền lợi của người được cấp dưỡng mới được bảo vệ một cách hiệu quả.
Luật sư, Thạc sĩ Lê Hồng Quang – Công ty luật Hà Phi; Trọng tài viên Trung tâm TT Thương mại TP.HCM (TRACENT); Quản Tài Viên – Giám đốc DNTN Quản lý và thanh lý tài sản Hà Phi/Nguồn Viện IRLIE