(TVPLVNO) – Quyền cầm giữ tài sản là một trong những quyền bảo đảm theo pháp luật Nhật Bản. Bài viết phân tích khái niệm, bản chất của quyền cầm giữ tài sản, cơ chế xác lập, cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ cầm giữ tài sản theo Bộ luật Dân sự cũng như Luật Thương mại Nhật Bản, từ đó đưa ra các gợi mở hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Nhật Bản, quyền cầm giữ tài sản (ryuchi-ken) là một trong những quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông dụng được quy định trong BLDS[1]. Quyền cầm giữ tài sản được quy định chủ yếu từ Điều 295 đến Điều 302 của BLDS và tại Điều 521 của Luật Thương Mại (Luật TM) Nhật Bản, đây được xem là một trong các quyền tự vệ của bên có quyền, xuất phát từ nguyên tắc công bằng. Theo đó, bên có quyền khi đang nắm trong tay tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn. Đối với Nhật Bản, khung pháp lý về cầm giữ tài sản được quy định tương đối chặt chẽ trong BLDS, Luật TM, cũng như các án lệ từ đó giải quyết được các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Tại Việt Nam, cầm giữ tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm mới được quy định trong BLDS 2015[2]. Về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh quan hệ cầm giữ hiện nay vẫn còn tương đối đơn giản, chưa giải quyết được các vấn đề pháp lý phát sinh đa dạng trong thực tiễn[3]. Trong khuôn khổ pháp lý vẫn còn thiếu các quy định điều chỉnh, dễ dẫn đến việc các bên thực hiện biện pháp cầm giữ tài sản đi quá giới hạn cho phép của pháp luật. Vì vậy, việc tham khảo pháp luật Nhật Bản để từ đó đưa ra các gợi mở hoàn thiện pháp luật, xây dựng các giải pháp văn minh cho các chủ thể trong ứng xử là cần thiết.
- Khái quát về quyền cầm giữ tài sản
1.1. Khái niệm về quyền cầm giữ
Cầm giữ tài sản là một quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối vật (dựa trên tài sản) phổ biến. Tính chất bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thể hiện ở chỗ bên có quyền đang có quyền nắm giữ một vật thuộc sở hữu của một người khác (người này có thể đồng thời là bên có nghĩa vụ hoặc bên thứ ba khác) có quyền tiếp tục nắm giữ vật cho đến khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ. Trong BLDS Nhật Bản, quyền cầm giữ tài sản được quy định tương đối rộng nhằm phát huy vai trò của quyền cầm giữ tài sản, theo đó: một người đang cầm giữ tài sản của người khác có thể nắm giữ tài sản đó cho đến khi người đó thực hiện nghĩa vụ đối với người nắm giữ tài sản[4]. Quyền cầm giữ không phụ thuộc vào ý chí của các bên (không cần các bên thỏa thuận) mà phát sinh dựa trên sự công bằng[5].
Bên cạnh các quy định trong BLDS, quyền cầm giữ tài sản còn được quy định trong Luật TM Nhật Bản[6]. Tài sản cầm giữ tương đối đa dạng, theo đó có thể là động sản hoặc thậm chí là bất động sản. Thực tiễn xét xử cũng công nhận quyền cầm giữ đối với tài sản là bất động sản cũng được áp dụng đối với thương nhân theo Luật TM[7]. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng quyền cầm giữ tài sản phải phát sinh trong mối quan hệ với tài sản được cầm giữ. Để làm rõ điều này, ta lấy ví dụ sau, A cho B thuê nhà và đất thuộc sở hữu của mình. B đã thuê và sau đó đã sửa chữa, đầu tư vào bất động sản nêu trên. Trường hợp A yêu cầu B trả lại bất động sản đó cho A thì B có quyền tiếp tục chiếm giữ đối với bất động sản đó nếu chưa được bồi thường các phí tổn mà B đã bỏ ra để sửa chữa, đầu tư vào bất động sản đó.
Đáng chú ý, quyền cầm giữ tài sản là một quyền phát sinh do pháp luật quy định, tuy nhiên, Luật TM cũng cho phép các bên lựa chọn không tham gia quyền này, đồng nghĩa với việc các bên có thể thỏa thuận về việc loại bỏ quyền cầm giữ trong hợp đồng[8]. Về nguyên tắc, bên đang cầm giữ tài sản không thể chuyển giao quyền cầm giữ cho bên thứ ba khác.
1.2. Phân biệt giữa quyền cầm giữ và quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đồng thời
Khi so sánh, gần với quyền cầm giữ tài sản là quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đồng thời, theo đó, đây là quyền cho phép người bán có thể từ chối chuyển giao vật bán khi chưa nhận đủ tiền do người mua trả, còn người mua có thể từ chối trả tiền trước khi vật bán được chuyển giao[9]. Thực tế, nhiều trường hợp có sự nhầm lẫn giữa việc thực hiện quyền cầm giữ và quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đồng thời theo hợp đồng. Ta cùng lấy ví dụ sau để hiểu thêm về cơ chế thực hiện của quyền cầm giữ và sự khác nhau giữa hai quyền này. Ví dụ A sửa xe cho B. Theo hợp đồng, B có nghĩa vụ thanh toán cho A các chi phí sửa xe. Tuy nhiên do B chưa thanh toán nhưng lại căn cứ vào quyền của chủ sở hữu đối với tài sản (xe đang do A nắm giữ) để yêu cầu A giao lại tài sản. Trường hợp này, theo BLDS, A có quyền giữ lại tài sản này cho đến khi B trả lại hết tiền. Quyền này được gọi là quyền cầm giữ. Như vậy, về lý thuyết, quyền cầm giữ được xem là vật quyền bảo đảm nhằm bảo đảm sự công bằng trong vị thế giữa chủ sở hữu tài sản và chủ nợ đang nắm giữ tài sản. Trường hợp chủ sở hữu chưa thanh toán được các nghĩa vụ thì chủ nợ có quyền phản kháng lại bằng cách nắm giữ tài sản nêu trên để gây ra sức ép cho chủ sở hữu. Trong tình huống nêu trên, có thể thấy B có thể phản đối bằng cách viện dẫn nghĩa vụ chưa đến hạn. Tuy nhiên, loại trừ sẽ được áp dụng nếu A có được tài sản thông qua hành vi vi phạm pháp luật, thì B có quyền viện dẫn để yêu cầu A trả lại.
Về phía A, A có thể bảo vệ mình thông qua hai cách sau: A có thể viện dẫn quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cùng lúc (Điều 533 và 546 BLDS Nhật Bản) và quyền cầm giữ tài sản (Điều 295 BLDS Nhật Bản). Theo đó, A có quyền yêu cầu B phải thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng cùng lúc và yêu cầu thực hiện quyền cầm giữ: B cần thanh toán cho A và A sẽ giao lại xe đang nắm giữ cho B, quyền này phát sinh trong quan hệ song vụ giữa A và B[10].
Như vậy, từ ví dụ trên có thể thấy được, quyền cầm giữ tài sản khác với quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cùng lúc ở chỗ: Quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cùng lúc chỉ tồn tại giữa hai bên trong hợp đồng song vụ, trong khi quyền cầm giữ đây là một quyền phát sinh do luật định và có thể chống lại bên thứ ba. Do đó, trường hợp nếu bên mua trong giao dịch mua bán hàng hóa đã trở thành chủ sở hữu của hàng hóa, bên mua có thể bán hàng hóa này cho các bên khác và nếu các bên khác yêu cầu bên bán phải hoàn trả tài sản dựa trên quyền sở hữu thì lúc này, bên bán không thể tiếp tục viện dẫn quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cùng lúc mà theo đó, bên bán vẫn có thể áp dụng quyền cầm giữ để chống lại các bên thứ ba khác (bao gồm bên mua sau này). Như vậy trong tình huống nêu trên, đối với quyền cầm giữ tài sản, thậm chí trường hợp nếu B chuyển giao cho C, A cũng có thể viện dẫn quyền này mà không cần hợp đồng với bên thứ ba (với C)[11].
1.3. Đặc điểm của cầm giữ tài sản
Cầm giữ tài sản có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, quyền cầm giữ tài sản là quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong BLDS. Là một quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, cầm giữ tài sản có các đặc điểm tương tự với các quyền bảo đảm nghĩa vụ đối vật khác như cầm cố, thế chấp tài sản; theo đó, quyền cầm giữ tài sản được được sinh ra nhằm mục đích bảo đảm cho một nghĩa vụ khác (nghĩa vụ chính). Do vậy, khi nghĩa vụ được chuyển giao, thì quyền cầm giữ cũng được chuyển giao theo nghĩa vụ[12].
Thứ hai, quyền cầm giữ này có thể được thực hiện đối với toàn bộ tài sản cho đến khi thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Hay nói cách khác, một khi nghĩa vụ đã đến hạn, bên có quyền có quyền cầm giữ toàn bộ tài sản mà mình đang nắm giữ hợp pháp, mà không cần quan tâm đến giá trị giữa nghĩa vụ đến hạn và tài sản. Có thể thấy, việc BLDS công nhận đối với tất cả các quyền bảo đảm nhằm tăng cường hiệu lực của biện pháp cầm giữ tài sản cho bên cầm giữ. Đây là đặc điểm không phân chia của quyền bảo đảm tài sản[13].
Thứ ba, quyền cầm giữ không phụ thuộc vào ý chí của các bên mà phát sinh dựa theo quy định của pháp luật. Xuất phát từ cơ chế thực hiện việc bảo đảm – một bên chiếm lấy tài sản mà mình đang nắm giữ hợp pháp để tạo sức ép cho bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chính. Vì vậy, việc thỏa thuận trong trường hợp này là không cần thiết. Chính đặc điểm này mà nhiều ý kiến xếp cầm giữ tài sản vào các biện pháp bảo đảm phát sinh theo pháp luật.
- Điều kiện của việc cầm giữ
Về điều kiện của việc cầm giữ tài sản được quy định tại Điều 295 BLDS Nhật Bản, theo đó:
Thứ nhất, nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm giữ phải có mối liên hệ liên quan đến tài sản cầm giữ: xuất phát từ quan hệ song vụ. Tuy nhiên, khác với BLDS Nhật Bản, Luật TM không đề cập đến yêu cầu về quyền cầm giữ phải phát sinh trong mối quan hệ với tài sản cầm giữ. Hay nói cách khác hơn, tài sản cầm giữ không nhất thiết phải phát sinh trong mối quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm[14]. Như vậy, thương nhân có quyền cầm giữ bất kỳ tài sản nào trong các giao dịch thương mại để bảo đảm cho khoản thanh toán nợ phát sinh từ giao dịch đó. Tuy nhiên, lưu ý đó là trong cả BLDS và Luật TM Nhật Bản, quyền cầm giữ đều chỉ áp dụng khi nghĩa vụ đó đã đến hạn. Bên có nghĩa vụ có thể phản đối bằng cách viện dẫn lý do nghĩa vụ chưa đến hạn để yêu cầu bên đang nắm giữ phải trả lại.
Thực tế, việc xác định về mối liên hệ liên quan của nghĩa vụ được bảo đảm và tài sản cầm giữ cũng không hề dễ dàng. Ví dụ, B là người sở hữu đất cho A thuê đất trong vòng 20 năm. Nhưng A không đăng ký việc thuê nêu trên theo Điều 177 BLDS Nhật Bản. Sau 7 năm thì B chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại cho C và C đăng ký đối với việc mua này và yêu cầu A phải dọn ra khỏi tài sản thuê. A lập luận phản bác lại C trên cơ sở quyền mua trước đó của mình, tuy nhiên C lại lập luận phản bác lại rằng việc sở hữu của A không thể phản đối do A đã không đăng ký việc thuê này và do đó, không có hiệu lực đối với C. Sau đó, A lập luận rằng A có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với B cho việc vi phạm hợp đồng thuê giữa các bên và để bảo đảm cho yêu cầu của A, A có quyền nắm giữ tài sản dựa trên quyền cầm giữ (Điều 295 BLDS Nhật Bản). Tuy nhiên, Tòa án tối cao Nhật Bản đã từ chối lập luận của A trong trường hợp này, bởi lẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại và tài sản thuê không được xem là có mối liên hệ liên quan theo Điều 295 BLDS Nhật Bản, tuy nhiên vẫn xem như có công nhận như là nguyên nhân làm cho B vi phạm hợp đồng mua bán. Ngoài việc không công nhận sự liên quan giữa vật và yêu cầu bồi thường thiệt hại của A gây ra bởi B trong việc vi phạm hợp đồng, nếu công nhận quyền cầm giữ trong trường hợp này sẽ khiến Điều 177 của BLDS trở nên bị vô nghĩa[15].
Hay một trường hợp khác, trong một án lệ của Tòa án tối cao Nhật Bản ngày 21/11/1968, A bán nhà ở cho B. Tuy nhiên, A đã bán nhà này trước đó cho C và C đã đăng ký quyền sở hữu đối với nhà. C sau đó yêu cầu B chuyển giao tài sản cho mình. Trường hợp này, lý lẽ của B về việc cầm giữ tài sản là nhà để bảo đảm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với A do không thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở không được Tòa án chấp nhận[16].
Thứ hai, tính hợp pháp của việc chiếm giữ, cầm giữ tài sản. Theo đó, để có thể thực hiện quyền cầm giữ tài sản, việc chiếm giữ hợp pháp đối với tài sản là điều kiện cần thiết (ví dụ cầm giữ, chiếm giữ theo hợp đồng thuê tài sản hay hợp đồng mua bán tài sản). Có thể thấy, việc yêu cầu này nhằm tránh trường hợp bên cầm giữ tài sản thực hiện quyền cầm giữ một cách bạo lực, bất hợp pháp, từ đó gây ra sự bất ổn cho xã hội. Như vậy, dễ thấy trường hợp nếu không nắm giữ hợp pháp, bên có nghĩa vụ hoặc chủ tài sản có thể yêu cầu hoàn trả lại tài sản. Trường hợp bên cầm giữ để mất đi tài sản, quyền cầm giữ cũng chấm dứt[17].
Thậm chí đối với tài sản cầm giữ là bất động sản, thì việc chiếm giữ bất động sản một cách hợp pháp đã đủ để bên cầm giữ xác lập quyền của mình đối với các bên thứ ba khác mà không cần phải thông qua việc đăng ký theo quy định thông thường đối với bất động sản (Điều 177 BLDS Nhật Bản).
Thứ ba, mặc dù tài sản bảo đảm thông thường phải thuộc về bên bảo đảm. Tuy nhiên, đối với cầm giữ thì lại tương đối đặc biệt, theo đó, tài sản bị cầm giữ không nhất thiết phải thuộc chủ sở hữu của người bị mắc nợ. Thực ra, tại các quy định về cầm giữ thì không có đề cập trực tiếp đến việc này, song tại Điều 295 BLDS Nhật Bản về tài sản bảo đảm thì các nhà làm luật có đề cập một cách gián tiếp.
- Về nội dung của quyền cầm giữ
Thứ nhất, BLDS Nhật Bản quy định việc cầm giữ có thể được thực hiện đối với toàn bộ tài sản cho đến khi nghĩa vụ được thực hiện toàn bộ[18]. Như vậy, việc cho phép bên cầm giữ được thực hiện đối với toàn bộ tài sản (không giới hạn phạm vi của tài sản cầm giữ) giúp cho bên có quyền có thể gây sức ép lớn hơn đối với bên có nghĩa vụ, nhằm buộc bên có nghĩa vụ sớm thực hiện nghĩa vụ của mình để có thể lấy lại tài sản. Cũng chính điều này, dễ suy ra được trường hợp nếu bên có nghĩa vụ chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ, bên cầm giữ có quyền tiếp tục cầm giữ tài sản cho đến khi toàn bộ nghĩa vụ được thực hiện xong. Trường hợp nếu không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ có thể làm chấm dứt việc cầm giữ bằng việc thay thế bằng biện pháp bảo đảm nghĩa vụ khác, tuy nhiên, trường hợp này cần có sự đồng ý của bên cầm giữ.
Thứ hai, người cầm giữ có thể thu hoa lợi tự nhiên, từ vật cầm giữ thay cho việc thực hiện nghĩa vụ[19]. Việc thực hiện nghĩa vụ bằng hoa lợi được tiến hành theo thứ tự, trước trừ hao tiền lãi sau đó trừ vào nghĩa vụ chính[20]. Như vậy, BLDS Nhật Bản có quy định người có quyền cầm giữ có thể thu các hoa lợi, lợi tức từ tài sản và giữ lại để đáp ứng yêu cầu của chính người đó trước những người có nghĩa vụ khác.
Đối với hoa lợi pháp lý, về nguyên tắc, người cầm giữ không thể sử dụng, cho thuê hoặc dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với tài sản cầm giữ, trừ khi được bên có nghĩa vụ đồng ý đối với trường hợp này. Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với việc nhằm mục đích cho sự bảo quản đối với tài sản[21]. Để dễ hình dung về “sử dụng cần thiết cho sự bảo quản vật”, ta cùng lấy ví dụ sau: A cho B thuê thuê tòa nhà thuộc sở hữu của mình, tuy nhiên, sau khi hợp đồng thuê chấm dứt thì bên thuê người chiếm giữ tòa nhà sau khi hợp đồng thuê chấm dứt sẽ có quyền yêu cầu chủ sở hữu của tòa nhà hoàn lại chi phí cho việc bảo quản này[22].
Thứ ba, người cầm giữ bảo quản phải bảo quản tài sản bị chiếm giữ với thái độ quan tâm của người quản lý tốt. Trong trường hợp người cầm giữ vi phạm nghĩa vụ này, người mắc nợ có quyền yêu cầu chấm dứt cầm giữ[23].
Theo đó, nếu người nắm giữ quyền cầm giữ không có thực hiện việc chiếm giữ với thái độ quan tâm của người quản lý tốt, người này sử dụng hoặc cho thuê mà không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ hoặc người đã giao tài sản cho bên nắm giữ, bên có nghĩa vụ có thể yêu cầu chấm dứt việc cầm giữ này[24]. Việc yêu cầu chấm dứt này có thể được công nhận nếu như việc sử dụng hoặc thuê đã hết hoặc B (bên có nghĩa vụ) phải chịu các thiệt hại vật chất nhất định[25]. Thậm chí, nếu bên có nghĩa vụ đã bán cho C thì C vẫn có quyền yêu cầu chấm dứt cầm giữ này (như vậy tài sản đã được cầm giữ vẫn có thể chuyển giao), trừ khi B đã cho phép A sử dụng hoặc thuê. B cũng có thể yêu cầu chấm dứt cầm giữ tài sản bằng cách thay thế bằng tài sản bảo đảm hợp lý khác (Điều 301 BLDS Nhật Bản).
Thứ tư, bởi người cầm giữ phải có nghĩa vụ trong việc bảo quản tài sản đang bị chiếm giữ, do đó, về nguyên tắc, người cầm giữ có quyền yêu cầu người mắc nợ hoàn trả chi phí cần thiết để bảo quản tài sản cầm giữ[26].
- Xử lý tài sản cầm giữ
Việc cầm giữ tài sản của bên có quyền nhằm gây áp lực buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện việc nghĩa vụ để lấy lại tài sản đang được nắm giữ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bên có nghĩa vụ dường như mất đi khả năng thực hiện nghĩa vụ (vỡ nợ), do đó, việc cầm giữ tài sản sẽ trở nên không còn nhiều ý nghĩa và đặc biệt, nhiều chi phí, nghĩa vụ có thể phát sinh thêm nếu bên cầm giữ buộc phải duy trì, giữ gìn tài sản cầm giữ (như chi phí thuê kho, bảo quản,…). Do đó, trường hợp này, việc xử lý tài sản cầm giữ là điều cần thiết.
Về việc xử lý đối với tài sản cầm giữ, theo Luật Thi hành án dân sự của Nhật Bản, khi mà bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ, bên có quyền có thể yêu cầu thực hiện việc bán đấu giá tài sản cầm giữ đến Tòa án[27]. Trường hợp nếu tài sản cầm giữ được bán và Tòa án phải trả cho bên có quyền một số tiền tương ứng với tiền mua đã được trả bởi bên bán tại phiên bán đấu giá trước khi giao đến những chủ nợ khác của con nợ, ngược lại nếu không người mua không thể có được quyền chiếm hữu đối với tài sản cầm giữ[28].
Tương tự, trường hợp thậm chí người có quyền khác có thể bán đấu giá đối với tài sản của bên cầm giữ đang nắm giữ (do việc kê biên được thực hiện trên sổ đăng ký). Trường hợp này, người mua tài sản đang cầm giữ cũng phải thanh toán lại đối với bên cầm giữ tài sản, do đó, đây được xem là quyền ưu tiên thanh toán của bên cầm giữ tài sản (điều này khiến quyền cầm giữ tài sản có đặc điểm của một quyền ưu tiên). Trong Luật TM, người đang có quyền cầm giữ có quyền ưu tiên so với các chủ nợ không có bảo đảm khác khi bên có nghĩa vụ thực hiện thủ tục phá sản[29].
Tuy nhiên, hiện nay lưu ý đối với quyền cầm giữ tài sản không thể đăng ký vào sổ đăng ký và do đó, thiếu đi sự công khai, tuy nhiên bên cầm giữ vẫn có thể bị ảnh hưởng ưu tiên so với các chủ nợ khác đã đăng ký biện pháp bảo đảm trước đó như là thế chấp tài sản. Chính vì vậy, cũng có học thuyết pháp lý cho rằng quyền cầm giữ đối với bất động sản không nên được chấp nhận (hay bất động sản không thể là đối tượng của cầm giữ)[30].
Kết luận
Từ các phân tích trên, dễ thấy quyền cầm giữ tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định khá chi tiết theo pháp luật Nhật Bản, trong đó, nhiều vấn đề được điều chỉnh giải quyết liên quan đến tài sản cầm giữ là bất động sản, xử lý tài sản cầm giữ, hay nội dung và điều kiện để thực hiện quyền cầm giữ. Trong khi tại Việt Nam, cầm giữ tài sản được xem là một trong những biện pháp bảo đảm mới được quy định trong BLDS 2015, nhiều vấn đề về cầm giữ vẫn chưa được quy định minh thị và thiếu các án lệ để làm rõ. Đáng chú ý, trong quan hệ cầm giữ, quyền của bên cầm giữ theo pháp luật Việt Nam hiện nay tương đối hạn chế so với Nhật Bản, từ đó gây ra nhiều khó khăn cho bên cầm giữ trong việc sử dụng vật quyền bảo đảm do luật định này. Do vậy, việc tham khảo các kinh nghiệm lập pháp của Nhật Bản trong việc hoàn thiện pháp luật về cầm giữ tài sản tại Việt Nam trong thời gian tới là cần thiết.
LIÊN ĐĂNG PHƯỚC HẢI (Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM) – Mai Quang Hợp (Trường ĐH Quốc tế miền Đông)
https://tapchitoaan.vn/quyen-cam-giu-tai-san-theo-phap-luat-nhat-ban12122.html