(TVPLVNO) – Chiều ngày 26/11/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi trả lời thư của một số người dân. Qua đó, yêu cầu hỗ trợ tham vấn pháp luật liên quan Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc cho tặng và phân chia tài sản…Buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến và tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các trang mạng xã hội, trang tin điện tử trực thuộc…
Phân tích và thông tin các yếu tố pháp lý liên quan, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xin nêu một số yếu tố được người dân quan tâm như: Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại…Cùng với đó, ông/bà mất mà không để lại di chúc. Tất cả người thân trong gia đình đều đồng ý ký tên chấp nhận chia đất tuy nhiên người con dâu không đồng ý dù chồng của người này ký tên…
Bố mẹ đã cho con trai nhà, giờ đòi lại có được không
Căn cứ tại Điều 475 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Khi việc tặng cho đã có hiệu lực tức là việc tặng cho tài sản đã được hoàn tất thì bên tặng cho sẽ không có quyền đòi lại. Tuy nhiên, bên tặng cho có thể đòi lại tài sản trong những trường hợp sau đây:
Theo Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Có hai trường hợp sau đây cần lưu ý: Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện; Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi có đủ hai điều kiện sau: Về nội dung, chủ thể thực hiện giao dịch có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Về hình thức, hợp đồng phải đáp ứng đúng yêu cầu do pháp luật quy định. Cụ thể, nhà đất là bất động sản thì hợp đồng tặng cho nhà đất phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà đất.
Theo đó, trong trường hợp bạn tặng căn nhà cho con trai với điều kiện phải chăm sóc đến già là thuộc trường hợp tặng cho tài sản có điều kiện được quy định tại Điều 462, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Xét thấy điều kiện của bạn yêu cầu con trai phải chăm sóc cha mẹ đến già là không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện này đáp ứng được điều kiện theo quy định của pháp luật. Bạn cũng đã sang tên nhà cho con trai là đã thực hiện hợp đồng.
Mặc dù, con trai bạn lại không thực hiện điều kiện là phải chăm sóc cha mẹ đến già mà có hành động bất hiếu, ngược đãi cha mẹ, do đó có thể thấy con trai của bạn đã vi phạm điều kiện của hợp đồng tặng cho có điều kiện.
Tại khoản 3, điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Do đó, nếu con cái được tặng cho tài sản mà không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho bị vô hiệu thì cha mẹ có thể đòi lại tài sản đã tặng cho. Khi đó hai bên sẽ trao trả cho nhau những gì đã nhận, tức là con cái sẽ phải trả lại bất động sản đã được cha mẹ tặng cho.
Con dâu có quyền trong việc chia đất của gia đình không?
Trong trường hợp bố, mẹ chồng chết mà không để lại di chúc thì theo quy định Điều 650 Bộ luật Dân sự, di sản được chia thừa kế theo pháp luật (chia theo hàng thừa kế).
Cụ thể, những hàng thừa kế theo pháp luật (Điều 651 Bộ luật Dân sự) bao gồm: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; (ii) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. Theo quy định trên thì con dâu không được liệt kê trong các hàng thừa kế theo pháp luật.
Tại Điều 652 Bộ luật Dân sự cũng có quy định về trường hợp thừa kế thế vị như sau: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Vì vậy, con dâu không được hưởng thừa kế di sản từ cha mẹ chồng khi chia thừa kế theo pháp luật (nếu tại thời điểm người chồng còn sống). Thế nhưng, không thuộc hàng thừa kế nào của cha mẹ chồng nhưng người con dâu vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế trong trường hợp người chồng (con trai của người để lại di sản thừa kế) chết sau khi cha mẹ chết.
Bên cạnh đó, nếu trong quá trình quản lý nhà đất, người con dâu có công sức đóng góp trong việc giữ gìn và tôn tạo thì có thể yêu cầu trích một phần của nhà đất để thanh toán cho công sức này. Nếu các bên không thể thống nhất được thì có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
Khẳng định công tác tuyên truyền phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai và chế định thừa kế trong Bộ Luật Dân sự; bên cạnh công tác chuyên môn của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn cử các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật lấy kinh nghiệm từ thực tiễn tham gia bảo vệ cho người dân tại một số phiên toà ba cấp. Từ đó, hướng dẫn và giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện những quy định của pháp luật như đưa ra một số tình huống thường xảy ra ở một số địa phương để người dân và các tuyên truyền viên cùng nhau trao đổi, thảo luận…
Tin rằng, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ hỗ trợ Nhân dân nắm bắt được các nội dung Luật Đất đai, chế định thừa kế trong Bộ Luật Dân sự và kỹ năng hòa giải….Songsong đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ và Nhân dân./.
Luật gia Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Viện IRLIE, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn