(TVPLVNO) – Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người được trợ giúp pháp lý (TGPL), giảm thiểu những vấn đề bức xúc diễn ra trong đời sống hàng ngày. Trong suốt thời gian qua, công tác tuyên truyền, TGPL cho người dân, doanh nghiệpluôn được đẩy mạnh, giúp họ tiếp cận với chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội.
Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức tuyên truyền TGPL cho người dân và các thành viên Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông&Chính sách pháp luật (Viện IRLIE) và Câu lạc bộ Doanh nhân IMRIC – IRLIE (Viện IMRIC) vào sáng ngày 06/07/2025, tại số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
TS. Hồ Minh Sơn cho rằng không ngừng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng TGPL cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp lậut, tư vấn viên pháp luật và luật sư; soạn thảo các nội dung pháp luật đăng tải trên các trang tin điẹn tử, mạng xã hội trực thuộc; xây dựng các bảng tin tại các cơ quan tiến hành tố tụng; cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền và TGPL cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật và các đối tượng chính sách các văn bản luật về đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo, vấn đề dân chủ ở cơ sở và những quy định pháp luật khác liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân… Ngoài ra, tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cần được TGPL để tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng tuyên truyền cho nhóm đối tượng có nhu cầu trợ giúp pháp lý về cùng một vấn đề hay cùng một nội dung cần tư vấn, trợ giúp.
Để công tác TGPL, đặc biệt là TGPL trong hoạt động tố tụng phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, TS. Hồ Minh Sơn thường xuyên tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trung tâm TTLCC và Trung tâm TVPLMS đã cung cấp đơn yêu cầu TGPL, tờ thông tin về TGPL, các biểu mẫu, sổ vụ việc theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời gian tới, TS. Hồ Minh Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt chú trọng truyền thông, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ TGPL. Dướiđây là hai tình huống mà TS. Hồ Minh Sơn đã thực hiện TGPL:
Thứ nhất: Tình huống pháp lý vụ cô gái không trả lại tiền cho người chuyển khoản nhầm đối diện mức phạt nào?
Qua theo dõi báo chí, vào ngày 5/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định khởi tố bị can, đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ngô Ngụy Ý (28 tuổi, trú xã Nhơn Phú, tỉnh Vĩnh Long) để điều tra về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Theo kết quả điều tra ban đầu, vào tháng 11/2024, tài khoản ngân hàng của Ngô Ngụy Ý bất ngờ nhận được 100 triệu đồng do một người dân ở tỉnh Đồng Tháp chuyển nhầm. Dù người chuyển nhầm đã nhiều lần liên hệ với Ý để xin hoàn trả số tiền, và cả đại diện ngân hàng cùng lực lượng công an cũng đã trực tiếp làm việc, vận động Ý khắc phục sự việc, nhưng cô này không hợp tác. Thay vào đó, Ý đã chuyển toàn bộ số tiền nói trên sang tài khoản ngân hàng khác để rút và tiêu xài cá nhân.
Các thành viên Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông&Chính sách pháp luật nêu câu hỏi: Với hành vi cấu thành tội danh trên, sẽ phải đối mặt với mức án phạt như thế nào?
TS. Hồ Minh Sơn cho rằng, trường hợp này, có dấu hiệu cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự.
Tại Điều 176 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định rất cụ thể về Tội chiếm giữ trái phép tài sản: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì sẽ phạt tiền từ 10-50 triệu đồng. Phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự, việc cô gái cố tình không trả lại số tiền 100 triệu đồng cho người chuyển nhầm khi họ và cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thì cô gái này sẽ bị khởi tố về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” với mức hình phạt là tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Thứ hai: Tình huống pháp lý vụ ‘cô giáo vùng cao’ phát ngôn sai sự thật, run sợ khi đến Nha Trang
Qua theo dõi báo chí đưa tin, một tài khoản Facebook mới đây tự xưng là “cô giáo vùng cao” chia sẻ trên mạng xã hội cảm giác “run sợ” khi đến Nha Trang vì bị khóa xe do vi phạm. Nội dung thể hiện người này đi phượt từ Hà Giang (cũ) đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (cũ) với quãng đường hơn 2.000 km. Song cô đã “run sợ” do bị CSGT xử lý vi phạm vì đỗ xe không đúng quy định.
Theo “Cô giáo vùng cao” cho biết khuya 24-6 đã đến Quảng trường 2 tháng 4 (TP Nha Trang cũ) và đỗ xe ngay khu vực quảng trường. Do vi phạm quy định nên cô bị mời về trụ sở làm việc. Người phụ nữ cũng cho biết không chỉ một mình mà còn có gần 20 chiếc xe khác. Trong lời tự sự, “cô giáo vùng cao” ngỏ lời chê trách không có ai hướng dẫn, nhắc nhở việc đậu đỗ xe ô tô giúp cho du khách.
Thế nhưng, được biết Phòng CSGT tỉnh Khánh Hòa cũ tối 24-6 đã thực hiện theo kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt. Tại khu vực Quảng trường 2 tháng 4 có lưu lượng xe cộ qua lại lớn, đã cắm các biển báo “Cấm dừng đỗ”, nên các phương tiện dừng, đỗ tại vị trí này đều vi phạm luật giao thông đường bộ. Qua làm việc, người phụ nữ đã nhận thức được hành vi vi phạm, nhưng do đây là khách du lịch lần đầu vi phạm, cần xử lý hài hòa, thân thiện để góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Nha Trang nên tổ tuần tra không lập biên bản vi phạm hành chính, mà chỉ nhắc nhở, tuyên truyền quy định pháp luậtvề giao thông. Phòng CSGT tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết thông tin 20 xe vi phạm là chưa chính xác, vì chỉ có khoảng 3-4 phương tiện có vi phạm việc dừng đỗ.
Dưới góc độ pháp lý, theo Nghị định 168 NĐ-CP thì với mức phạt từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng, cạnh đó hành vi dừng, đỗ xe tại khu vực có biển báo “Cấm dừng đỗ” đã vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ 2024 và có thể bị xử phạt hành chính.
Việc đăng tải thông tin sai lệch, dù là vô ý do thiếu kiểm chứng hay cố ý đều tiềm ẩn nguy cơ gây hiểu lầm, làm suy giảm niềm tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật. Căn cứ theo quy định tại điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) với mức phạt là từ 5-10 triệu đồng (đối với cá nhân), đồng thời buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Có thể thấy, việc tuân thủ quy định giao thông không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn thể hiện ý thức của người dân trong việc góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, mỗi cá nhân cũng cần nâng cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội cẩn trọng trong việc kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, tránh gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan chức năng.
CTV TVPL Bùi Văn Hải (Trung tâm TTLCC) – CTV TVPL Trần Ngọc Danh (Trung tâm TVPLMS)