(TVPLVNO) – Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản trả lời nội dung liên quan đến đề xuất cơ quan quản lý cần dùng những công cụ hiện đại như công khai về sổ lệnh giao dịch chứng khoán hay ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện được những giao dịch bất thường và làm minh bạch thị trường chứng khoán.
Ảnh minh hoạ
Theo văn bản của Bộ Tài chính, quy mô phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào giám sát giao dịch cũng đang được cơ quan này nghiên cứu và triển khai.
AI có khả năng phát hiện các hành vi bất thường như thao túng giá, giao dịch nội gián hay các hành vi giao dịch khác đối với dữ liệu giao dịch lớn. Các thuật toán học máy có thể phân tích khối lượng giao dịch lớn và nhận diện các mẫu hành vi phức tạp mà các hệ thống truyền thống khó có thể phát hiện, giúp can thiệp kịp thời và chính xác hơn.
Cạnh đó, AI cũng giúp dự báo xu hướng thị trường và tối ưu hóa việc quản lý dữ liệu nhà đầu tư. Điều này không chỉ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự minh bạch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong công tác giám sát thị trường chứng khoán.
Theo công văn Bộ Tài chính: “Hoàn thiện khung khổ pháp lý, áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng cường công tác quản lý, giám sát đặc biệt là công tác giám sát giao dịch là các giải pháp căn cơ, thiết thực góp phần tạo dựng thị trường chứng khoán công bằng, minh bạch, giúp hạn chế các hành vi gian lận và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam trong dài hạn”.
Theo Bộ Tài chính cho biết, đối với nội dung liên quan đến việc đánh thuế bất động sản đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất. Theo đó, Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến BĐS phát sinh trong cả 3 giai đoạn: Xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ); sử dụng BĐS (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp). Tuy nhiên hiện nay chưa thu thuế đối với nhà trong quá trình sử dụng bất động sản và chuyển nhượng BĐS (thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT).
Cũng theo Bộ Tài chính, để tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần phải có giải pháp phù hợp, đồng bộ. Trong đó có việc nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng. Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS cho phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới cũng như thông lệ ở một số quốc gia. Đồng thời, góp phần thúc đẩy việc sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả; góp phần hạn chế đầu cơ về nhà, đất, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch, ổn định và bền vững.
Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến BĐS trong thời gian qua (trong đó, có trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng).
Bộ Tài chính đã lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNCN mới để thay thế cho Luật thuế TNCN hiện hành, có việc nghiên cứu, sửa đổi chính sách thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ tổng hợp, nghiên cứu ý kiến tham gia cũng như tiến hành rà soát, đánh giá Luật thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế.
Minh Sơn – Liên Trần/Nguồn Viện IRLIE