(TVPLVNO) – TAND tỉnh Bình Dương hiện đang thụ lý đơn kháng cáo của ông N.T.S (38 tuổi), người đang tranh chấp về việc bị Công ty TNHH N.V (có trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) sa thải.
Theo nội dung đơn kiện, ông S. bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng sau hơn 2 tháng làm việc, dù hợp đồng lao động của ông có thời hạn 12 tháng với vị trí giữ kho và mức lương hơn 7 triệu đồng mỗi tháng.
Theo ông S. Công ty TNHH N.V đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không có căn cứ hợp lý. Sau khi bịsa thải, ông S. đã nhiều lần liên hệ với công ty để làm rõ lý do và yêu cầu được giải quyết thỏa đáng nhưng không nhận được phản hồi. Với mong muốn đòi quyền lợi , ông S. đã nộp đơn kiện lên TAND TP Thủ Dầu Một.
Ảnh minh họa AI: Trần
Tại phiên xét xử sơ thẩm, Công ty TNHH N.V đã đưa ra lý do ông S. bị sa thải vì vi phạm nghiêm trọng các quy định của công ty. Cụ thể, ông S. đã tự ý rời bỏ vị trí làm việc, làm việc riêng, không tuân theo sự phân công của quản lý và thậm chí phá hoại tài sản của công ty.Công ty đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp để thảo luận về việc xử lý kỷ luật và ông S. đều có mặt tại các cuộc họp này. Nhưng sau đó, ông này vẫn tiếp tục tái phạm, dẫn đến cuộc họp ngày 19-3-2022, công ty đồng thuận sa thải ông S. trước sự chứng kiến của ông.
Tuy nhiên, công ty không ban hành quyết định sa thải mà thay vào đó là quyết định cho thôi việc. Công ty giải thích rằng họ bị đặt vào tình thế không thể ban hành hình thức kỷ luật nặng nề nhất là quyết định sa thải vì ông S. đang giữ một số giấy tờ, hồ sơ quan trọng của công ty.
Ngược lại, ông S. cho rằng quá trình xử lý kỷ luật tại Công ty TNHH N.V không tuân thủ đúng các quy định pháp luật về lao động. Ông S, nhấn mạnh mình không nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào vềcác cuộc họp kỷ luật nên không có cơ hội để trình bày quan điểm hoặc bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này làm cho ông nghi ngờ về tính hợp pháp và trung thực của các biên bản mà công ty này cung cấp cho tòa án.
Ông S. cũng lập luận rằng lý do công ty đưa ra để thay đổi từ sa thải sang thôi việc là không thuyết phục. Ông khẳng định mình không giữ bất kỳ giấy tờ hay tài liệu quan trọng nào của công ty và việc công ty cho rằng họ không thể áp dụng hình thức kỷ luật nặng nề nhất chỉ vì lý do này là thiếu cơ sở. Ông cho rằng việc công ty thay đổi hình thức xử lý là một cách để che đậy các sai sót trong quá trình kỷ luật và nhằm tránh trách nhiệm pháp lý.
Trước nghi ngờ rằng các biên bản kỷ luật do công ty cung cấp cho tòa án có dấu hiệu giả mạo, ông S. đã đềnghị được giám định chữ ký. Tòa sơ thẩm yêu cầu ông S. nộp 15 triệu đồng tiền tạm ứng án phí cho việc giám định này. Vì không còn nguồn thu nhập sau khi mất việc và gia đình đang gặp khó khăn, ông S. đã làm đơn xin giảm chi phí tạm ứng. Nhưng lá đơn này không được chấp nhận vì tòa án cấp sơ thẩm cho rằng chi phí này không thuộc diện được xem xét miễn giảm.
Theo ông S., trong khoảng thời gian 7 ngày được yêu cầu đóng án phí tạm ứng, ông đã xin rút yêu cầu giám định chữ ký do không đủ khả năng xoay xở số tiền 15 triệu đồng. Từ đây, TAND TP Thủ Dầu Một đã xem việc rút yêu cầu này như là sự đồng ý của ông S. đối với các hồ sơ, tài liệu mà công ty cung cấp. Dựa trên quan điểm này, tòa án đã đưa ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của ông S., xác nhận việc công ty sa thải ông là hợp pháp.
Nhận thấy phán quyết không đáp ứng nguyện vọng của mình, ông S. đã nộp đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Bình Dương. Trong lần kháng cáo này, ông tiếp tục đề nghị được giám định chữ ký trên các hồ sơ xử lý kỷluật mà công ty cung cấp cho tòa án vì cho rằng toàn bộ hồ sơ kỷ luật đã bị công ty giả mạo, dựng lên nhằm hợp thức hóa quyết định sa thải ông một cách vô lý.
Sau khi có yêu cầu, HĐXX đã tạm dừng phiên xét xử phúc thẩm để tiến hành trưng cầu giám định chữ ký. Ngày 21-6-2024, Viện Khoa học Hình sự tại TP HCM (Bộ Công An) đã có kết luận giám định số 2347 về việc giám định chữ ký. Kết quả cho thấy chữ ký trên các biên bản xử lý kỷ luật mà công ty cung cấp cho tòa án không trùng khớp với chữ ký mẫu của ông S.
Theo nguyên đơn, sau hơn 2 tháng kể từ ngày có kết luận giám định chữ ký, đến nay, ông vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ TAND tỉnh Bình Dương về việc mở lại phiên xét xử phúc thẩm. Sự chậm trễvà im lặng từ phía tòa án khiến ông S. không khỏi bất an. Nguyên đơn nói rằng, ông vẫn đang mòn mỏi chờđợi trong lo lắng, mong những quyền lợi chính đáng của mình được xem xét, giải quyết.
Trần Thái
https://nld.com.vn/bat-ngo-dien-bien-phien-xet-xu-mot-cong-nhan-bi-sa-thai-o-binh-duong-196240824170655041.htm