(TVPLVNO) – Thành phố Đà Nẵng xác định đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững, công nghệ cao, trong đó có công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành quan trọng trong 5 nhóm ngành. Trongđó, có nhiều chính sách đã và đang được xây dựng nhằm phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.
Tọa đàm về thực trạng, tiềm năng và triển vọng phát triển của lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo và thành phố Đà Nẵng trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn
Đà Nẵng là địa phương ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế với các công ty, tổ chức uy tín để sớm tiếp cận nguồn lực và thông tin nhu cầu về nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn.
Điển hình, trong suốt thời gian qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trong đó có Tập đoàn Marvell là một trong những tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về thiết kế vi mạch bán dẫn và cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu, nằm trong top 25 công ty lớn nhất trong lĩnh vực này. Tại Việt Nam, Marvell đã hoạt động từ năm 2013. Sau gần 10 năm xuất hiện ở thị trường Việt, công ty hiện có khoảng 300 nhân viên, trong đó 97% nhân sự là kỹ sư trình độ cao trong thiết kế vi mạch và điện tử.
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp với Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam cho thấy, nguồn nhân lực đóng vai trò tiên quyết trong phát triển vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, Tập đoàn Marvell thành lập và hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2024, thành lập chi nhánh ở thành phố Đà Nẵng với 50 kỹ sư. Đây sẽ là cột mốc quan trọng đầu tiên, viên gạch phát triển trong tương lai đối với các doanh nghiệp, đồng nghiệp trong ngành vi mạch bán dẫn.
Trong đó, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, đào tạo 5.000 kỹ sư của thành phố và góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn. Qua đó, công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực vi mạch bán dẫn luôn được thành phố chú trọng. Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách, chủ trương ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kết nối hợp tác quốc tế và khu vực. Đồng thời, chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế nhằm đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn là một trong những trường đầu tiên ở khu vực miền Trung khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong việc tổ chức chương trình đào tạo giảng viên nguồn thiết kế vi mạch.
Chia sẻ với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – HànHuỳnh Công Pháp (Đại học Đà Nẵng) cho hay, đơn vị liên kết với các trường, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước sẵn sàng các điều kiện đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn: “Chúng tôi tin rằng, với tất cả những yếu tố về điểm chuẩn đầu vào, sinh viên giởi, chương trình đào tạo, nguồn tài liệu, thực hành cũng như kết nối với các doanh nghiệp thì thành phố sẽ có nguồn nhân lực quý báu để đóng góp, khẳng định sự thành công của phát triển vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng”.
Có thể thấy, với sự quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo thành phố, nhiều chính sách đã và đang được xây dựng và thực hiện nhằm phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Điển hình, Đề án Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số chính sách hỗ trợ khác.
Tính từ tháng 10/2023 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thành phố. Ngoài ra, hiện đang tập trung đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế…
Cụ thể, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với các chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn vào ngày 26/6/2024. Trong đó, hoạt động đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp; Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng) trong thời hạn miễn thuế là 5 năm kể từ thời điểm có hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp; Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ người theo học và chuyên gia trong ngành vi mạch bán dẫn về chi phí đào tạo, bồi dưỡng; hưởng chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú. Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024 để kịp thời ban hành và áp dụng ngay từ đầu năm 2025.
Nói về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, thành phố thường xuyên kết nối và lắng nghe các tổ chức, doanh nghiệp ngành vi mạch bán dẫn và cơ sở đào tạo chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm phát triển và nâng cao nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, mong muốn các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tiếp tục đồng hành cùng thành phố, phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng chương trình, lộ trình đào tạo, giúp công tác phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo vừa đảm bảo chất lượng vừa kịp tiến độ về thời gian. Các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ hiến kế, đóng góp ý kiến về các đề án, chính sách phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo mà thành phố đang và sẽ xây dựng trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh tiến trình tham gia chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn…
Ông Hồ Kỳ Minh, nhấn mạnh: “Dựa trên cơ sở các kiến nghị của các chủ thể tham gia Hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các Doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, các ý kiến của các chuyên gia nhà khoa học trong và ngoài nước cùng với sự tham khảo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn để có những giải pháp mới, cách tiếp cận kịp thời với độ mở lớn theo các kịch bản phù hợp trong từng năm, từng giai đoạn để gắn kết vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo nhằm định hướng chuyên ngành; gắn kết vi mạch bán dẫn với đổi mới sáng tạo thúc đẩy, đột phá phát triển giá trị kinh tế số”.
Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data),…Tin rằng, người dân và doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận rộng rãi với các công cụ, khai thác thư viện dữ liệu về thiết kế chíp, giúp kích thích sự hợp tác giữa cộng đồng người dùng với các nhà thiết kế, nhà cung cấp cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thành Ánh – Trần Danh/Nguồn Viện IRLIE