(TVPLVNO) – Trong suốt những ngày qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) nhận được thư của người dân…Theo đó, muốn nghe ý kiến của chuyên gia về công tác truyền thông và yếu tố pháp lý khi việc bạo lực trẻ em đang được mạng xã hội lan truyền…
Liên quan vấn đề này, TS. Hồ Minh Sơn xin phúc đáp như sau: Hành vi của người mẹ không chỉ bị xử phạt hành chính, đối hành vi bạo lực trẻ em nếu gây hậu quả nghiệm trọng còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Trước mắt cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra, xác minh để làm rõ, đối với hành vi “Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác” được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, để xử lý răn đe.
Người phụ nữ đạp bé gái mặc cho bé van xin. Ảnh mạng xã hội
Cụ thể, Công an TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đang vào cuộc xác minh clip một bé gái bị mẹ ruột đánh đập giữa chợ TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) gây xôn xao dư luận những ngày qua. Qua kết quả điều tra ban đầu từ cơ quan Công an thành phố Vĩnh Long, người mẹ được xác định là G.T.H.S (44 tuổi, ngụ phường 9, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Ngày 7/11, bà S giao cho con gái là cháu N.T.A (9 tuổi) đi bán 130 tờ vé số. Đến 17h cùng ngày, bé A còn 43 tờ vé số chưa bán được nên bà S đã đánh con. Vụ việc được ghi lại và đăng tải trên mạng xã hội. Theo nội dung đoạn clip thể hiện, bà S đã dùng chân đạp vào người cháu bé ngay dưới lòng đường. Kế đó, bà S lấy ra một sợi dây (loại dùng để cố định hàng hóa) vụt liên tiếp vào người cháu bé.
Trong suốt quá trình bị người mẹ đánh, cháu A ôm đầu ngồi bệt xuống vệ đường gào khóc: “Mẹ ơi đừng đánh con”.
TS. Hồ Minh Sơn cho biết theo hình ảnh trên clip thì người phụ nữ đã nhiều lần có hành vi dùng tay đánh vào vùng mặt và đầu, dùng chân đạp vào người và dùng dây quất vào thân thể đứa trẻ diễn ra tại nơi công cộng. Hành động này có dấu hiệu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và gây thương tích đối với người khác, đặc biệt là người dưới 16 tuổi. Qua đó, xét về góc độ pháp lý thì hành vi của người mẹ trong đoạn clip đã xâm phạm về quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, quyền được vui chơi, giải trí, tự do do phát triển và quyền được giáo dục của trẻ em.
Căn cứ khoản 1, điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, liên quan đến các hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ về sức khỏe tính mạng, hành vi của người mẹ đã vi phạm.
Cũng tại Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình cụ thể như sau: Mức phạt hành chính việc bố mẹ đánh đập con cái: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Trong trường hợp có người đại hợp pháp cho bé. Yêu cầu cơ quan Cơ quan Cảnh sát Điều tra trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương và đề nghị khởi tố tội cố ý gây thương tích. Nếu cháu bé bị thương tích do bà mẹ có hành vi gây ra. Hành vi vi phạm theo điều khoản này bao gồm: Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; hoặc cô lập, xua đuổi, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ. Với vi phạm này sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Không chỉ bị xử phạt hành chính, trường hợp người có hành vi bạo lực đối với trẻ nhỏ gây ra các hậu quả nghiệm trọng còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội: Hành hạ người khác (điều 140, Bộ Luật Hình sự); cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134, Bộ Luật Hình sự).
Căn cứ theo điều 123, Bộ Luật Hình sự Nếu cháu bé bị tổn thương nặng nhất, các hành vi bạo lực có tính chất giết người như sử dụng các phương tiện, công cụ nguy hiểm hoặc đánh vào các vị trí trọng yếu như đầu cổ, gáy…thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Giết người”. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này có thể là 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Hành vi của người mẹ trong clip đã vi phạm quy định về cấm bạo lực đối với trẻ em và tiềm ẩn các nguy cơ, dấu hiệu của các tội phạm hình sự được liệt kê.
Căn cứ theo khoản 3, điều 23, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu lạm dụng, bóc lột trẻ em, hành vi này có thể bị xử phạt đến 25 triệu đồng. Ngoài ra, trong trường hợp xâm phạm quyền được giáo dục của trẻ em, cụ thể ở tình huống này là cản trở hoặc ép trẻ em nghỉ học thì bị xử phạt từ 500.000 đến 5 triệu đồng, theo quy định tại điều 26, Nghị định 130/2021/NĐ-CP.
Hiện nay, quan điểm về giáo dục cũng dần thay đổi và có những tranh luận được đưa ra về việc cha mẹ có quyền được đánh trẻ hay không, răn đe đến mức độ nào, những tổn thương nào trẻ gánh chịu khi đối diện với bạo lực gia đình. Và việc đánh đập (hay cả dùng lời lẽ) gây tổn thương cho trẻ đã được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn những bậc cha mẹ dùng bạo lực và đòn roi với con mình. Ở đây không có roi mây mà là dây ràng. Ở đây không có dạy bảo mà là trừng trị đến tàn nhẫn. Ở đây không có ấm áp của tình mẫu tử mà là đánh đập đến phẫn nộ, TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị.
Nhắc lại câu chuyện cách đây vài năm, cũng là một đứa bé chậm giờ bán vé số và bị mẹ châm lửa đốt. Trong cái cùng quẫn, bí bách vì mất tiền vé số, trong cái cách nghĩ “con tao, tao có quyền đánh” thì sau khi đánh chưa đã, người mẹ đã đốt con, trước mặt rất nhiều người. Và trong cơn đau đớn, đứa bé vẫn lết về phía mẹ van xin. Như vậy, đứa bé ở Vĩnh Long không phải là trường hợp đầu tiên. Từđó, chắc chắn hành vi của người mẹ này đối với con gái ruột sẽ bị pháp luật trừng trị tương xứng. Bởi theo quy định thì đây là hành vi “bạo lực gia đình” và có thể đối diện với mức phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 52 Nghị định 144/2021.
Thế nhưng ngoài sự phẫn nộ, yêu cầu xử lý nghiêm khắc người mẹ đầy hung hăng này thì hình ảnh khiến nhiều người đau lòng và lên tiếng là bé gái ấy không phải bị đánh trong phòng riêng hay sân nhà. Bé bị đánh giữa đường và trước sự chứng kiến của nhiều người lớn, cả những người qua đường và những người đang mưu sinh, đứng gần ngay đấy. Bé đã thấy mình nguy hiểm, đã thấy mình không đủ sức để bảo vệ mình khỏi “cơn cuồng nộ” của mẹ nên đã cố chạy đến cầu cứu người khác trong lúc mẹ bé dừng cơn đánh, đạp và đi tìm thêm dây ràng để quất bé. Thế nhưng, người lớn đã bỏ mặc. Người lớn sợ người mẹ hung hăng? Hay người lớn có suy nghĩ rằng “con ai người nấy dạy”, họ không nên can thiệp vào chuyện dạy bảo con của người khác?…TS. Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.
Có thể nhìn nhận, việc đánh đập con cái là điều mà người ngoài thấy đó, xót đó nhưng ít khi can ngăn, ý kiến. Chính vì vậy, mới có những đứa bé bị hành hạ đến chết đi sống lại, hay đứa bé bị mẹ đốt vì không bán hết vé số và hàng loạt vụ việc đau lòng khác. Có lẽ hành vi thờ ơ của những người xung quanh khi không can ngăn người mẹ đánh con ở Vĩnh Long chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, theo Điều 132 BLHS. Thậm chí hành vi của họ cũng khó có thể xem xét xử phạt hành chính. Song liệu khi xem lại clip, nhìn thấy thái độ thờ ơ, bỏ mặc của chính mình, có ai trong số họ cảm thấy hối hận, xấu hổ, dằn vặt vì cái sự vô cảm, lạnh lùng của mình trước em bé tội nghiệp đang hứng chịu cơn trút giận ngút ngàn của người mẹ kia!?
Đã đến lúc người lớn chúng ta cần thay đổi triệt để cách dạy con và bảo vệ con trẻ, dù đứa trẻ đó là con của ai đi chăng nữa. Chúng ta cần phân định đâu là việc răn dạy thông thường và đâu là hành vi bạo lực, đánh đập trẻ. Chúng ta cần và có trách nhiệm bảo vệ tất cả trẻ em, lên tiếng, can ngăn mọi hành động trái pháp luật xảy ra với trẻ em. Đừng để những câu chuyện đau lòng hơn nữa xảy ra rồi chúng ta cùng đứng đơn đòi xử lý thích đáng. Lựa chọn tốt hơn và đúng đắn hơn là can ngăn kịp thời và mạnh mẽ. Vì trẻ em không thể tự bảo vệ lấy mình!
Chuyên viên pháp lý Bùi Văn Hải – Trung tâm TTLCC/Nguồn Viện IRLIE