(TVPLO) – Mới đây, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được nhiều đơn thư của người dân gửi đến. Theo đó, yêu cầu tham vấn pháp lý liên quan đến việc mình bị ngừoi khác tự dưng làm nhục trên không gian mạng xã hội…
Dưới góc độ pháp lý, ông Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp như sau: Với sự phát triển của công nghệ, thông tin, nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để làm công cụ thực hiện hành vi làm nhục người khác. Theo đó, hành vi này có thể bị xử lý về Tội làm nhục người khác theo quy định của pháp luật.
Có thể khẳng định rằng, danh dự, nhân phẩm là những giá trị gắn với nhân thân của một người và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, việc làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác vẫn diễn ra.
Cụ thể, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương mới đây vừa đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo H.T.X, sinh năm 1998, trú tại xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương 3 năm tù giam về tội ‘Làm nhục người khác’ theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 155 Bộ luật Hình sự. Được biết, khi thực hiện việc ghép ảnh rồi tung lên các trang mạng xã hội cùng những lời lẽ phản cảm, có thể bị cáo H.T.X đã không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề do thiếu hiểu biết. Thế nhưng, theo hội đồng xét xử, hành vi này đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của chị T.T.T, đặc biệt, đã dẫn đến hậu quả chị T.T.T tự tử, do vậy bị cáo đã phạm tội “Làm nhục người khác”…Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 155 Bộ luật Hình sự. Trong cuộc sống hằng ngày, việc nảy sinh va chạm, mâu thuẫn, thậm chí “nặng lời” với nhau là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ trường hợp của bị cáo H.T.X cho thấy, mỗi người cần phải biết kiềm chế, cư xử đúng pháp luật để không vô tình phạm tội “Làm nhục người khác”, bởi ranh giới giữa lời nói, hành động khi mâu thuẫn mà không ít người cho rằng “bình thường” với hành vi phạm tội nhiều khi rất mong manh.
Điển hình, “Làm nhục người khác” là hành vi của một người có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Biểu hiện của hành vi này rất đa dạng, có thể bằng lời nói (lăng mạ, sỉ nhục nơi đông người…) hoặc thông qua các hành động như: Nhổ nước bọt vào mặt, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông…Hiện nay, mạng xã hội phát triển, người có hành vi sử dụng hình ảnh người khác trái phép, đăng tải trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác cũng có thể phạm tội “Làm nhục người khác” hoặc tội “Vu khống”.
Căn cứ theo Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Theo đó, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là một trong những quyền cơ bản của công dân. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo về về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự.
Ngoài ra, tại điều 155 Bộ luật Hình sự: Yếu tố lỗi của tội này là lỗi cố ý; Người phạm tội biết rõ hành vi của mình xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội để hạ thấp danh dự, nhân phẩm người khác; Động cơ, mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội làm nhục người khác…
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội thì tuỳ theo mức độ và tính chất của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (như mục 2). Về mức phạt hành chính đối với hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội: Cá nhân có thể bị xử phạt số tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Mặt khác, tại Điều 121. Tội làm nhục người khác: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Đặc biệt, theo Khoản 2, Điều 16 Luật An ninh mạng thì hành vi xâm phạm an ninh mạng là việc đưa thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.
Do đó, những hành vi nêu trên được hiểu là việc kích động nhiều người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật dưới dạng hành vi kêu gọi, vận động đông người cùng thực hiện phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức. Đồng thời, việc thực hiện các hành vi cản trở bằng nhiều thủ đoạn khác nhau là nhằm khiến cho người thi hành công vụ không thực hiện được công vụ của mình như đe dọa, cản đường,…Hoặc các hành vi có tính chất gây ra sự mất ổn định về an ninh trật tự như hành vi tụ tập đông người gây ồn ào, náo động nơi công cộng hoặc cản trở giao thông,…
Vì vậy, tuy là không gian mạng nhưng tổn hại với người khác là thực tế và phải chịu trách nhiệm. Người dùng cần cân nhắc, có trách nhiệm với những hành vi của mình để tránh bị xử lý vì đã vi phạm pháp luật.
Mặc dù, Viện IMRIC thường xuyên phối hợp với Viện IRLIE giao hai đơn vị trực thuộc là Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật An ninh mạng. Thông qua công tác tuyên truyền, hai Trung tâm đã giới thiệu một số nội dung của Luật An ninh mạng về việc bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; các biện pháp phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thành viên thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE, Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông và Chính sách pháp luật.
Đây là hoạt động thiết thực qua đó giúp cho người dân, doanh nghiệp và các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên công tác tại các cơ quan báo chí, công tác truyền thông tại các doanh nghiệp nắm, hiểu và tuân thủ chấp hành nghiêm các quy định của Luật An ninh mạng, góp phần bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh…
Luật gia Hồ Minh Sơn/Nguồn Viện IRLIE